Sau năm 1975 Hoàng_Đan

Công tác ở Học viện Quân sự Cao cấp

Năm 1976, sau khi đất nước thống nhất, Đại tá Hoàng Đan được điều về làm phó giám đốc Học viện Quân sự cao cấp, sau là Học viện Quốc phòng.

Trong quá trình công tác tại đây, dựa trên 30 năm kinh nghiệm quân sự của mình, ông đã có nhiều đóng góp cho việc biên soạn, chỉnh lý các tài liệu về nghệ thuật quân sự hiện đại Việt Nam, xây dựng chương trình huấn luyện quân sự cấp chiến thuật, chiến dịch, chiến lược cho các sĩ quan trung cao cấp, giảng dạy các sĩ quan cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Qua đó, cùng với những đóng góp to lớn của ông trong suốt giai đoạn cuối của công cuộc thống nhất đất nước, Hoàng Đan được tấn thăng lên quân hàm Thiếu tướng trong đợt phong quân hàm năm 1977, đợt phong hàm Thiếu tướng đầu tiên sau Kháng chiến Chống Mỹ. Ông trở thành sĩ quan cấp tướng năm 49 tuổi.

Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979

Một năm sau, Thiếu tướng Hoàng Đan được điều vào trong Nam tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc tại biên giới Tây Nam giáp với Campuchia. Ông tham gia vào công tác biên soạn kế hoạch tác chiến tấn công vào Campuchia. Sau vài tháng, ông rút ra Bắc, tiếp tục làm công tác giảng dạy.

Tuy nhiên, gia tăng căng thẳng biên giới với Trung Quốc dẫn tới việc ông được điều động lên mặt trận phía Bắc vào năm 1979. Ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đoàn 5 (phiên hiệu khác là Quân đoàn 14), Tư lệnh mặt trận Lạng Sơn kiêm phó tư lệnh Quân khu 1. Vài ngày trước khi lệnh bổ nhiệm chính thức xuống, ông đã lên Lạng Sơn, trực tiếp đi trinh sát trận địa. Theo các tài liệu chính thức, khi đi vòng sát qua biên giới, xe thiết giáp hạng nhẹ của ông bị pháo binh Trung Quốc phát hiện. Xe ông bị bắn trúng bởi một phát pháo 155mm. Lái xe, cận vệ cũng như thư ký của ông trực tiếp hi sinh. Ban đầu, ông được cho là cũng đã hi sinh. Chỉ tới tối, sau khi ông một mình đi qua hàng chục ki lô mét, lẩn tránh truy kích của trinh sát địch, về tới Bộ Tư lệnh Quân đoàn thì mọi người mới rõ là ông thoát chết.

Tháng 2 năm 1981, Hoàng Đan thôi kiêm nhiệm chức Tư lệnh quân đoàn 5, chuyển sang làm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng quân khu 1.

Chưa đầy 3 tháng sau, Quân đội Trung Quốc tổ chức tiến công mạnh mẽ, với một số sư đoàn bộ binh làm chủ công cùng với một lượng lớn các đơn vị hỗ trợ như pháo binh, công binh...v.v... Họ triển khai tiến công từ nhiều hướng khác nhau, chiếm được nhiều cao điểm chiến lược sát biên giới nước ta. Thế địch như nước lũ, Hoàng Đan tới thẳng mặt trận, chỉ huy trực tiếp, tổ chức phòng ngự phản công có chiều sâu chống địch quanh khu vực Bình độ 400 (Cao điểm 400), tức Pháp Tạp Sơn.

Cao điểm 400 là một cao điểm nhỏ, với tiếp diện chỉ có vài trăm mét, chỉ đủ cho vài trăm binh sĩ trú đóng. Tại đây, phía Trung Quốc triển khai một Sư đoàn Bộ binh làm đơn vị tiến công chủ lực và hàng chục các đơn vị hỗ trợ như pháo binh, công binh...v.v... Quy mô tổng cộng có lúc lên tới ba bốn vạn quân. Phía Việt Nam, Thiếu tướng Hoàng Đan trực tiếp chỉ huy, lấy Trung đoàn Bộ binh 52 thuộc Sư đoàn 337 làm đơn vị phòng ngự chủ lực, được hỗ trợ bởi các đơn vị như Đoàn Đặc công 198, Trung đoàn Công binh 514, Tiểu đoàn Pháo binh 11 thuộc Trung đoàn Pháo binh 108...v.v... Quân số khoảng một vạn quân.

Khi Thiếu tướng Hoàng Đan tới mặt trận, Quân đội Trung Quốc đã chiếm được cao điểm 400. Ông ngay lập tức triển khai tái chiếm lại. Với gần ba mươi năm thao chiến từ năm 45 tới năm 75 của mình, các trung đội đặc công Việt Nam tinh nhuệ không mấy khó khăn tiêu diệt tiểu đoàn phòng thủ cao điểm 400 của Quân đội Trung Quốc, rồi chuyển giao công việc phòng thủ cao điểm này cho Trung đoàn Bộ binh 52. Trong khi đó, để chiếm được cao điểm, Trung Quốc phải trả cái giá đắt hơn rất nhiều. Như cách tiền nhân Trung Quốc đã dùng từ thời Chiến tranh Triều Tiên, họ dùng chiến lược biển người. Chỉ huy Trung Quốc lấy từng tiểu đoàn một ùa lên, sau một vài đợt tiến công mới chiếm được cao điểm, thương vong hàng trăm người. Phía Việt Nam thì đại đội phòng thủ thuộc Trung đoàn Bộ Binh 52 đóng trên cao điểm hi sinh gần như toàn bộ.

Sau đó, suốt một tháng, một khi một bên chiếm được cao điểm, bên còn lại ngay lập tức tổ chức tiến công vào cao điểm. Hai bên luân phiên chiếm đóng trường kỳ cao điểm trên, tạo nên một cuộc chiến tiêu hao, một cuộc chiến tâm lý, một cuộc chiến về sĩ khí. Điều này khiến ưu thế về quân số của Trung Quốc mất hẳn. Thế công trên mặt trận của Quân đội Trung Quốc mất dần, do các lực lượng chủ chốt bị giữ lại ở quanh Bình Độ 400. Đồng thời, Thiếu tướng Hoàng Đan cũng tổ chức các cánh quân nhỏ, tinh nhuệ đánh thọc sườn, tập hậu, đánh sâu vào hậu phương địch, gây ảnh hưởng tới khả năng tác chiến cũng như sĩ khí của Quân đội Trung Quốc.

Trong lúc trận đánh diễn ra, Hoàng Đan đã nhiều lần lên trên cao điểm 400, trực tiếp quan sát, chỉ huy chiến trận. Một trong những lần đó, Quân đội Trung Quốc triển khai lực lượng pháo binh, tạo nên hỏa lực tập trung, hòng cày nát cao điểm 400. Thiếu tướng Hoàng Đan vẫn bình tĩnh, ngồi xuống ghế quan sát trận pháo từ trên cao. Ông bảo với những cấp dưới trốn dưới công sự:

Sống, chết, thời, vận, số! Một khi anh đã tới số thì đạn pháo còn tìm được anh trong công sự!

Điều này giúp cho sĩ khí của đại đội phòng thủ luôn cao, dù cho biết rằng sẽ hi sinh khi lên cao điểm phòng thủ.

Trải qua hàng chục cuộc giao chiến lớn nhỏ quanh khu vực cao điểm 400, Thiếu tướng Hoàng Đan đã đánh kiệt quệ sư đoàn bộ binh chủ công của Quân đội Trung Quốc, buộc địch phải dùng tới cả các đơn vị dự bị. Tuy nhiên, thương vong bên phía Quân đội nhân dân Việt Nam cũng rất lớn: trung đoàn bộ binh 52 cũng ở trong tình trạng không khá hơn địch là bao, một số đại đội thậm chí hi sinh toàn bộ. Cuối tháng 6, nhận thấy thế địch đã mất, không cần phải hi sinh thêm binh sĩ ở cao điểm 400 nữa, ông cho rút xuống các đơn vị bộ binh còn lại, chỉ sử dụng pháo binh đánh chặn. Sau khi các đơn vị bộ binh của Việt Nam lùi sâu khỏi mặt trận, Quân đội Trung Quốc cũng không tiến công, chiếm lấy cao điểm, do thiên thời đã mất. Họ chỉ sử dụng pháo binh đáp trả Quân đội nhân dân Việt Nam. Tới cuối năm 1981 thì hai bên dần rút khỏi khu vực giao chiến.

Chuyển sang công tác nghiên cứu

Sau một thời gian dài ít giao tranh quy mô lớn, tháng 7 năm 1983, Hoàng Đan được Bộ Tổng Tham mưu điều về cục khoa học quân sự trực thuộc Bộ Tổng tham mưu làm phó cục trưởng (nay là cục khoa học công nghệ và môi trường trực thuộc Bộ Quốc phòng). Trong quá trình công tác tại đây, với kinh nghiệm và nhiệt huyết của mình, ông đã tích cực nghiên cứu, góp phần cải thiện nền khoa học quân sự nước ta trong thời kỳ chiến tranh hiện đại.

Chiến tranh biên giới phía Bắc 1984

Quân đội Trung Quốc sau ba năm cải tổ, tinh giảm biên chế, tập trung phát triển kinh tế và hiện đại hóa quân đội, đã trở nên hùng mạnh hơn hẳn trước. Ở giai đoạn 1979-1981, do Trung Quốc vẫn sử dụng các chiến thuật và trang bị quân sự từ thời Chiến tranh Triều Tiên nên chỉ có thể sử dụng ưu thế biển người mà tiến công nước ta, qua đó tỷ lệ thương vong của Quân đội Trung Quốc cao hơn nhiều so với Việt Nam. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc dần chuyển sang thành một đội quân hiện đại có chiều sâu, đồng thời do Liên Xô và nước ta bắt đầu rơi vào khủng hoảng kinh tế, quân đội Trung Quốc dần dần vượt qua Việt Nam về mặt chất lượng trang bị quân sự.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi ông rời tiền tuyến, mặt trận phía Bắc trở lại thành điểm nóng. Từ năm 1984 tới năm 1986, Vị Xuyên[2] trở thành điểm nóng của Chiến tranh biên giới phía Bắc. Trong khoảng thời gian này, Quân đội Trung Quốc đã huy động tới hàng chục vạn quân chiến đấu ở giao điểm vài chục ki lô mét này. Lực lượng trực chiến ban đầu bao gồm bốn Sư đoàn Bộ binh được yểm trợ bởi hàng chục đơn vị khác, trong đó có Sư đoàn Pháo binh số 4 của Đại Quân khu Côn Minh, số lượng pháo lên tới nghìn khẩu. Về sau các đơn vị của các Đại Quân khu khác của Trung Quốc được điều động tới để luân phiên, tăng cường chiến đấu. Các đơn vị quân sự Trung Quốc tổ chức tiến công, thọc sâu vào lãnh thổ nước ta, có thời điểm vào sâu tới hàng chục ki lô mét.

Thiếu tướng Hoàng Đan được điều động gấp lên Quân khu 2 làm Tư lệnh Tiền phương, được giao nhiệm vụ chỉ huy chiến đấu trực tiếp ở Vị Xuyên. Ông lấy tinh binh làm chính, lấy hiểu biết địa hình phía Bắc của quân và dân ta làm điểm tựa, xây dựng hệ thống địa đạo công sự xuyên suốt chiến trường. Qua đó, tỷ lệ thương vong giảm xuống, góp phần vào việc đánh bật các đơn vị Trung Quốc khỏi các cao điểm chiếm được, khiến địch phải dần lùi sâu về sát biên giới gốc.

Trở lại công tác nghiên cứu

Tới năm 1986, khi mức độ giao tranh hạ nhiệt xuống, ông lại được điều động, trở lại công tác ở cục khoa học công nghệ. Ông tiếp tục có nhiều đóng góp cho nền khoa học, công nghệ quân sự nước nhà. Tới tháng 6 năm 1990 thì ông được thăng nhiệm lên làm cục trưởng.